Sunday, Sep 24, 2023
HomeĐạo HạnhKhám pháBí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng – Kỳ 2: Dòng sông thủy ngân

Bí ẩn lăng mộ Tần Thủy Hoàng – Kỳ 2: Dòng sông thủy ngân

Trải qua hơn 2.000 năm, lăng mộ Tần Thủy Hoàng – vị hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc – vẫn ẩn chứa nhiều bí mật, trong đó có bí mật về hệ thống cạm bẫy khiến nơi này trở nên “bất khả xâm phạm”.

Xem video youtube tại: https://ytb.watch/Kw0sk
Xem video facebook tại: https://shorten.tv/f6jR7

Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa đã có công lao to lớn là chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc loạn lạc, lập nên một đế chế mới thống nhất. Tuy nhiên, Tần Thuỷ Hoàng cũng có những hành động ngang ngược khiến nhiều người phẫn nộ như áp bức dân đen, hủy hoại Nho giáo… Chính vì vậy, để lăng mộ có thể yên ổn sau khi chết, ông đã cho xây dựng nhiều cơ quan bí mật bảo vệ, đảm bảo rằng những kẻ trộm mộ một khi đã bước chân vào sẽ không thể trở ra.

Theo số liệu thăm dò khảo cổ mới nhất, lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), có chiều dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc xuống Nam. Với tổng diện tích 41.600m2, tương đương diện tích 5 sân bóng đá quốc tế, đây là lăng mộ lớn nhất trong triều đại Tần và Hán. Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên, khu vực lăng mộ trung tâm được coi là cung điện của Tần Thủy Hoàng khi ông còn sống. Nơi đây chiếm đến 2/3 tổng diện tích lăng mộ.

Bên ngoài lăng mộ được xây dựng kiên cố, các bức tường thành bao quanh lăng được làm từ tro trắng, đất cát, hoàng thổ và được thêm vào gạo nếp cùng đinh sắt, có tác dụng chống mưa gió rất tốt, thậm chí thuốc nổ bình thường cũng khó lung lay bức tường này. Trong lịch sử, khu vực Quảng Châu từng hứng chịu một trận động đất mạnh hơn 8 độ richter nhưng lăng mộ vẫn không bị phá hủy, không bị ngập nước.

Hơn nữa, kể từ khi những bức tượng chiến binh đất nung lần đầu được phát hiện, mãi cho đến ngày nay, các sử gia, nhà nghiên cứu vẫn không ngừng nỗ lực và tìm kiếm giải pháp để có thể xâm nhập vào lăng mộ bí ẩn của hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu về lăng mộ Tần Thủy Hoàng không thể tiến sâu hơn vì các nhà khoa học lo ngại phá vỡ cấu trúc ngầm trong lăng mộ, đặc biệt là ngọn đồi nơi đặt hài cốt của Tần Thủy Hoàng. Nhiều cạm bẫy cũng có thể đang chờ đón những người đầu tiên bước vào sau hơn 2.000 năm.

Theo cuốn “Sử ký” của sử gia Tư Mã Thiên, 700.000 người tham gia xây lăng mộ Tần Thủy Hoàng suốt nhiều năm. Tư Mã Thiên nhắc đến những cạm bẫy chết người trong lăng mộ, bao gồm cả con sông thủy ngân khổng lồ.

 

Thủy ngân được người xưa dùng trong những việc gì?


Thủy ngân là nguyên tố hóa học có ký hiệu Hg (Hydrargyrum) và số hiệu nguyên tử 80. Nó có nhiều tính chất khác biệt so với những kim loại thông thường. Là một nguyên tố khối nặng màu bạc, thủy ngân là nguyên tố kim loại duy nhất ở dạng lỏng ở điều kiện tiêu chuẩn về nhiệt độ và áp suất; yếu tố duy nhất khác là chất lỏng trong các điều kiện này là halogen bromua, mặc dù các kim loại như xêzi, galli và rubidi tan chảy ngay trên nhiệt độ phòng. Thủy ngân xuất hiện trong các khoáng vật trên toàn thế giới chủ yếu ở dạng chu sa.

Ở Trung Quốc và Tây Tạng, việc sử dụng thủy ngân được cho là kéo dài sự sống, chữa lành gãy xương và duy trì sức khỏe nói chung, mặc dù hiện nay người ta biết rằng việc tiếp xúc với hơi thủy ngân dẫn đến những ảnh hưởng xấu nghiêm trọng đến sức khỏe. Người Hy Lạp cổ đại sử dụng thủy ngân trong thuốc mỡ và người La Mã sử dụng nó trong mỹ phẩm. Thủy ngân cũng được dùng trong việc ướp xác.

Ngày nay, thủy ngân được sử dụng chủ yếu trong sản xuất các hóa chất,trong kỹ thuật điện và điện tử. Nó cũng được sử dụng trong một số nhiệt kế. Nhiễm độc thủy ngân có thể xảy ra do tiếp xúc với các dạng thủy ngân tan trong nước, do hít phải hơi thủy ngân hoặc ăn bất kỳ dạng thủy ngân nào.

 

Dòng sông thuỷ ngân huyền bí

Theo không ít giai thoại, mộ của Tần Thủy Hoàng được bao bọc bởi một dòng sông thủy ngân. Trước đây, một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ từng đến khảo sát khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Sử dụng công nghệ tiên tiến để đo đạc lăng mộ ngầm dưới đất, các nhà khảo cổ phát hiện lớp đất phía trên tồn tại hàm lượng thủy ngân cao hơn nhiều so với mức bình thường.

Lượng thủy ngân trong lăng mộ ước tính cao gấp 280 lần bình thường. Điều này khá trùng hợp với những ghi chép trong bộ “Sử ký” của Tư Mã Thiên về dòng sông thủy ngân bên trong lăng mộ. Theo Yinglan Zhang, nhà khảo cổ học ở Bảo tàng Lịch sử Thiểm Tây tại Tây An (Trung Quốc), ước tính căn phòng chôn cất hoàng đế Tần Thủy Hoàng có thể chứa tối đa khoảng 100 tấn thủy ngân.

Điều kỳ lạ hơn nữa là bản đồ phân bố thủy ngân trong lăng mộ giống hình ảnh bản đồ nhà Tần sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Dựa vào kết quả khảo sát, các nhà khảo cổ đánh giá, góc Tây Bắc của lăng mộ không có thủy ngân, trong khi đó, mức thủy ngân cao nhất ở phía Đông Bắc và cao thứ hai ở phía Nam.

Sự phân bố này trùng khớp với vị trí của hai con sông lớn của Trung Quốc là Hoàng Hà và Dương Tử. Nói cách khác, lăng mộ là một bản sao của lãnh thổ thuộc về vua Tần và được bao phủ bởi thủy ngân.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau về lý do tại sao phải chôn một lượng lớn thủy ngân bên trong lăng mộ. Theo nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc trước thời Tần Thủy Hoàng, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy thủy ngân chỉ được dùng trong các loại hình ướp xác, bảo quản thi thể. Thủy ngân cũng có thể được dùng như một chất chống ăn mòn. Lượng thủy ngân khổng lồ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được cho là giúp hình thành một lớp cách nhiệt tương đối kín. Do đó, các chuyên gia cho rằng, thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng chỉ đóng vai trò bảo quản thi thể và chống ăn mòn, nhưng với quy mô lớn hơn các ngôi mộ bình thường.

Đến thời nhà Hán, người Trung Quốc mới biết rằng thủy ngân có chứa chất kịch độc, điều này làm dấy lên các suy đoán cho rằng thủy ngân được dùng để chống trộm. Tuy nhiên, không ít người thắc mắc rằng đâu là nguồn cung về thủy ngân khổng lồ tới như vậy cho Tần Thủy Hoàng?

Trên thực tế, vào thời Trung Quốc cổ đại, nguồn khai thác thứ kim loại lỏng có độc tính chết người này chủ yếu tới từ những khoáng vật cinnabar (HgS) và thường được gọi là chu sa. Theo một số nhà nghiên cứu, nhân vật bí ẩn cung cấp tới 100 tấn thủy ngân cho lăng mộ của hoàng đế đầu tiên của nhà Tần có thể chính là Ba Thanh (Cầm Thanh), người được coi là nữ thương nhân giàu có bậc nhất lúc bấy giờ. Bà là người phụ nữ được Hoàng đế Tần Thủy Hoàng rất nể trọng.

Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên cùng nhiều ghi chép khác trong lịch sử, Ba Thanh hồi còn trẻ đã được gả cho một gia đình giàu có ở đất Ba Thục (ngày nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) nhưng không may chồng bà sớm qua đời. Chính vì vậy, Ba Thanh được thừa hưởng gia sản lớn và bà trở thành người gánh vác, bảo vệ sản nghiệp mà gia đình nhà chồng để lại. Sau sự ra đi của chồng, Ba Thanh đã thủ tiết thờ chồng và nỗ lực hết mình để quán xuyến, đảm đương trọng trách duy trì công việc kinh doanh, đặc biệt là sản nghiệp mỏ khoáng sản Chu sa của gia tộc.

Ba Thanh – bà chủ của mỏ khoáng sản Chu Sa lớn nhất nước Tần cách đây hơn 2.000 năm.

Theo nhiều ghi chép lịch sử, chu sa không những được dùng để luyện thủy ngân mà còn được dùng để luyện đan dược trừ tà cũng như là một thành phần trong đơn thuốc điều trị an thần. Đây là một vật liệu “đắt đỏ” trong triều đại nhà Tần, đặc biệt là khi Hoàng đế Tần Thủy Hoàng ráo riết tìm kiếm phương thuốc trường sinh sau khi thống nhất thiên hạ. Trong khi đó, Ba Thanh lúc bấy giờ là người phụ nữ duy nhất kế thừa mỏ khoáng sản chu sa khổng lồ của gia tộc nên việc thừa hưởng gia sản của nữ nhân này có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế của nước Tần khi đó.

Sau khi danh tiếng cùng tài năng của Ba Thanh truyền tới hoàng cung, Tần Thủy Hoàng đã phong cho bà danh hiệu “Trinh Phụ” và thậm chí còn dựng bia để tưởng nhớ sau khi bà qua đời. Đây thực sự là một trong những “ân sủng” và niềm vinh dự mà hiếm có nữ nhân thời cổ đại nào có được.

Một trong những lý do khiến Ba Thanh khiến Tần Thuỷ Hoàng tôn kính đến thế chính là nhờ sự tương trợ của Ba Thanh đối với Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng người có thể cung cấp tới 100 tấn thủy ngân trong địa lăng của Tần Thủy Hoàng chỉ có thể là Ba Thanh.

Chu sa – khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên

Các hoat động công nghiệp vào thời kỳ đó vẫn còn cực kỳ lạc hậu và việc cung cấp 100 tấn thủy ngân là “nhiệm vụ khả thi” mà chỉ một trong số ít người trên thế giới làm được. Không những trợ giúp cho “giấc mộng trường sinh” của Tần Thủy Hoàng, Ba Thanh còn hào phóng quyên góp tiền bạc cho vị hoàng đế khi xây dựng, trùng tu Vạn Lý Trường Thành – công trình kỳ vĩ có vai trò quân sự trọng yếu, nhằm ngăn chặn quân xâm lược.

Do đó, Ba Thanh đã trở thành một trong những người đáng tin cậy nhất của Tần Thủy Hoàng. Bà đã sử dụng sự giàu có và danh tiếng của mình để đóng góp cho nước Tần. Tài năng, nhân phẩm cùng sự giàu có của bà đã nổi tiếng khắp triều đại do hoàng đế Tần Thủy Hoàng sáng lập.

Vào thời Trung Quốc cổ đại, mặc dù không chủ đích sử dụng thủy ngân để chống trộm, nhưng trữ lượng “chất kịch độc” khổng lồ cùng hàng loạt những cái bẫy ngầm ẩn mình bên trong mà nhiều người ngờ vực là vẫn còn hoạt động, đã vô tình trở thành bức tường thành bảo vệ vững chãi mà cho tới ngày nay, các chuyên gia và nhà nghiên cứu vẫn không dám liều lĩnh mạo phạm. Nhờ thế, sau hơn 2.000 năm trôi qua, lăng mộ khổng lồ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng cho tới nay vẫn còn là một ẩn số lớn đối với hậu thế.

Bí ẩn lăng mộ

mocmienhana@gmail.com

Rate This Article:
NO COMMENTS

LEAVE A COMMENT