Thursday, Dec 7, 2023
HomeĐạo HạnhTinh hoa Thế GiớiAlbert Einstein – Cuộc đời của thiên tài một mình thay đổi thế giới

Albert Einstein – Cuộc đời của thiên tài một mình thay đổi thế giới

Albert Einstein là một nhà khoa học thiên tài đã khiến cho cả thế giới phải ngả mũ thán phục. Einstein cùng thuyết tương đối đi vào lịch sử, người sở hữu chỉ số IQ thiên tài được xem là quy chuẩn trong việc xác định trí thông minh con người. Ông chính là người đã đưa ngành vật lý lên một tầm cao mới và đưa lý thuyết vào trong những phát minh thực tiễn. Tuy nhiên, để có được sự công nhận này, ông đã phải trải qua rất nhiều điều bất hạnh từ khi còn nhỏ. Sau đây hãy cùng daohanh tìm hiểu về cuộc đời của nhà khoa học lỗi lạc Einstein.

Xem video youtube tại: https://youtu.be/rR-IZKzaxg4
Xem video facebook tại: https://www.facebook.com/encypaedia/videos/479652110980166/

 

Albert Einstein – Đứa trẻ bị chế giễu “đần độn”
Albert Einstein sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái tại thành phố Ulm, bên dòng sông Danube, tiểu bang Baden-Württemberg, nước Đức ngày 14 tháng 3 năm 1879. Bố là ông Hermann Einstein, một kĩ sư đồng thời là nhân viên bán hàng, còn mẹ là Pauline Einstein. Khi còn nhỏ, ông đã khiến cho cả nhà vô cùng lo lắng, phiền muộn khi gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người. Khi được 2 tuổi, một người bác sĩ đã nhận định rằng, Einstein bị “chậm phát triển”. Dù chỉ là bập bẹ hay lẩm nhẩm từng câu nói cũng đã hết sức khó khăn.
Một năm sau, gia đình ông chuyển đến Munich và lập công ty kỹ thuật điện. Tại đây, ông đã được làm quen và biết được nhiều kiến thức vật lý.

Khi đến trường, Einstein không mấy hoà đồng với bạn bè xung quanh, ông bị cho là người có tính cách khó chịu, bướng bỉnh. Ông sẵn sàng phản kháng, lên tiếng về những gì mà bản thân không thích. Thậm chí, trong khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường đó, ông đã từng bị bạn bè chế giễu là “đần độn” và “học dốt môn toán”.

Từ thuở nhỏ, Albert Einstein đã yêu thích học hỏi về Vật Lý. Cậu còn nhớ khi lên 5 tuổi, bố Einstein có lần chỉ cho cậu cái la bàn bỏ túi, và Einstein nhận thấy phải có cái gì đó làm cho kim chuyển động, mặc dù chỉ có “không gian trống rỗng” quanh cái kim. Khi lớn lên, Einstein tự làm các mô hình và thiết bị cơ học để nghịch và bắt đầu biểu lộ năng khiếu toán học của mình. Einstein ưa thích đọc các loại sách Khoa Học. Chàng sinh viên Do Thái tới ăn cơm vào ngày thứ năm đã khuyên Einstein đọc bộ sách “Khoa Học Phổ Thông” của Aaron Bernstein. Nhờ cuốn này mà Einstein hiểu biết thêm về Sinh Vật, Thực Vật, Vũ Trụ, Thời Tiết, Động Đất, Núi Lửa cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

Về Toán Học, không phải nhà trường cho cậu các khái niệm đầu tiên mà là gia đình và ông chú ruột đã chỉ dạy cho cậu rõ ràng hơn các giáo sư tại Gymnasium. Nhà trường đã dùng phương pháp cổ điển, cứng rắn và khó hiểu bao nhiêu thì tại nhà, chú của cậu lại làm cho cách giải các bài toán trở nên vui thích, dễ dàng, nhờ cách dùng các thí dụ đơn giản và các ý tưởng mới lạ.

Năm 12 tuổi, Albert Einstein được tặng một cuốn sách về Hình Học. Từ Hình Học Euclid, Einstein bắt đầu hiểu về lý luận logic. Cậu nghiền ngẫm cuốn sách đó và lấy làm thích thú về sự rõ ràng cùng các thí dụ cụ thể trong sách. Nhờ cuốn này, cậu học được cách lý luận phân minh và cách trình bày thứ tự của một bài tính. Do đó, cậu hơn hẳn các bạn về môn Toán. Ngay sau đó cậu bắt đầu khảo cứu giải tích các đại lượng vô cùng bé. 16 tuổi, cậu thực hiện thí nghiệm tưởng tượng đầu tiên nổi tiếng của mình trong đấy cậu hình dung ra sẽ như thế nào khi mình chạy cùng với tia sáng.

Vì được cha mẹ cho học đàn vĩ cầm từ khi lên 6 tuổi nên càng về sau, Einstein càng yêu thích âm nhạc và cảm thông được vẻ trong sáng và bay bướm trong các nhạc phẩm của Mozart. Theo Einstein, ông tự học chơi đàn bằng cách “thực hành có hệ thống”, và nói rằng “say mê là một người thầy tốt hơn ý thức trách nhiệm.” Âm nhạc không chỉ là niềm vui thích mà còn giúp ông trong công việc. Bà Elsa – vợ ông nói: “âm nhạc giúp ông khi đang suy nghĩ về các lý thuyết. Ông mải mê nghiên cứu, quay trở ra giải trí bằng đánh vài đoạn hợp âm piano, rồi tiếp tục trở lại công việc”.

 

Einstein từng thi trượt đại học
Vào năm 15 tuổi, công việc kinh doanh của gia đình Anbe Einstein gặp thất bại và gia đình đã phải chuyển đến Ý. Thời gian đầu, ông được sắp xếp ở lại Đức để hoàn thành việc học trung học. Thế nhưng, ông lại không hài lòng về điều này, ông đã tự mình quyết định rời trường học để đi theo gia đình.

Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì học lên cấp 3 thì Einstein lại nộp đơn vào Học viện Bách Khoa, Trường học danh tiếng nhất ở Zurich của Thuỵ Sĩ lúc bấy giờ. Kết quả là ông đã thi trượt ngay trong lần thi đầu tiên và phải học tại trường trung học địa phương và thi lại vào tháng 10/1896.

Tuy nhiên, ông lại hề tỏ ra mặn mà với chương trình giảng dạy tại trường học. Ông cho rằng các giáo sư ở đây chỉ dạy những môn khoa học cũ kỹ và nhàm chán. Do đó, ông đã thường bỏ tiết và học ở nhà để tìm tòi và nghiên cứu những gì mới nhất có trong lý thuyết khoa học.

Mùa thu năm 1900, Einstein tốt nghiệp ĐH. Đây là thời kỳ long đong nhất của ông bởi ông lâm vào cảnh thất nghiệp. Ông từng khao khát được giữ lại trường làm trợ giáo nhưng muốn thế cần phải có các giáo sư giới thiệu mà chẳng vị giáo sư nào chịu giới thiệu một sinh viên người Do Thái không chịu thuần phục và hay có những suy nghĩ lạ hoắc này, hơn nữa thành tích tốt nghiệp của Einstein cũng không thuộc loại xuất sắc. Vì kế sinh nhai, Einstein phải bôn ba khắp nơi tìm kiếm việc làm.

 

Gia đình

Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein nổi tiếng với lòng chung thủy vô điều kiện dành cho vật lý, nhưng trong đời sống cá nhân, ông lại là một người vô cùng trăng hoa với 2 cuộc hôn nhân tốn nhiều giấy mực.

Einstein và Mileva Marić (Nguồn: PictureLux/The Hollywood Archive/Alamy)

Năm 1903, Einstein kết hôn với Mivela là bạn học cũ mà ông yêu thương thời đại học. Ông có một gia đình yên ấm cùng 2 người con là: Hans Albert và Eduard. Năm 1914, Einstein dời đến Berlin, trong khi vợ ông ở lại Zurich cùng với các con. Marić và Einstein ly dị ngày 14 tháng 2 năm 1919, sau khi sống ly thân trong 5 năm.

Einstein lấy người chị họ hàng người Đức Elsa Löwenthal vào ngày 2 tháng 6 năm 1919, sau khi có mối quan hệ với cô từ 1912. Hai người không có con chung và hai cô con gái riêng của Elsa được Albert đối xử như con đẻ, lấy họ của ông.

Einstein và người vợ thứ hai – Elsa Loewenthal

 

Khởi đầu bằng công việc thư ký Bằng sáng chế
Einstein đã làm khá nhiều công việc khác nhau, nhưng chỉ làm chúng trong một thời gian ngắn. Phải đến 2 năm sau khi đi làm, một người bạn đã giúp ông có được vị trí tại Văn phòng sáng chế tại Thuỵ Sĩ, công việc thư ký bằng sáng chế. Không phải lo lắng về cái ăn cái mặc nữa, từ đây ông có thể yên tâm nghiên cứu những vấn đề vật lý mà ông yêu thích.

Bác học Einstein đã làm công việc thư ký bằng sáng chế trong suốt 7 năm. Công việc chính của ông là chịu trách nhiệm kiểm tra những bản thiết kế, phát minh của người khác. Trong thời gian này, ông đã có những nghiên cứu đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông.

 

Những dấu mốc đáng chú ý
Khi bắt đầu sự nghiệp của mình, Einstein đã nhận ra cơ học Newton không còn có thể thống nhất các định luật của cơ học cổ điển với các định luật của trường điện từ. Từ đó ông phát triển thuyết tương đối đặc biệt, với các bài báo đăng trong năm 1905. Tuy nhiên, ông nhận thấy nguyên lý tương đối có thể mở rộng cho cả trường hấp dẫn, và điều này dẫn đến sự ra đời của lý thuyết về hấp dẫn trong năm 1916, năm ông xuất bản một bài báo về thuyết tương đối tổng quát. Ông tiếp tục nghiên cứu các bài toán của cơ học thống kê và lý thuyết lượng tử, trong đó đưa ra những giải thích về lý thuyết hạt và sự chuyển động của các phân tử. Ông cũng nghiên cứu các tính chất nhiệt học của ánh sáng và đặt cơ sở cho lý thuyết lượng tử ánh sáng.

Năm 1905, kỳ tích và vinh quang đã đến với ông. Năm đó Einstein 26 tuổi, ông dồn thời gian rỗi để viết bốn luận văn vĩ đại hoàn thành việc chuẩn bị lý luận cho cuộc cách mạng vật lý thế kỷ 20.

Ngày 30 tháng 4 năm 1905, Einstein hoàn thành luận án tiến sĩ của mình dưới sự hướng dẫn của giáo sư vật lý thực nghiệm Alfred Kleiner. Einstein được trao bằng tiến sĩ tại Đại học Zurich. Luận án của ông có tiêu đề “Một cách mới xác định kích thước phân tử”. Trong cùng năm, mà ngày nay các nhà khoa học gọi là Năm kỳ diệu của Einstein, ông công bố bốn bài báo đột phá, về hiệu ứng quang điện, về chuyển động Brown, thuyết tương đối hẹp, và sự tương đương khối lượng và năng lượng (E=mc2), khiến ông được chú ý tới trong giới hàn lâm trên toàn thế giới.

Tuy nổi tiếng vậy nhưng cuộc sống của Einstein vẫn chẳng có gì thay đổi: Hàng ngày 9 giờ ông đến cơ quan làm những việc sự vụ. Sau giờ làm việc ông đến làm thuê cho xưởng làm dấm.

Nhiều học giả nổi tiếng đinh ninh Einstein phải là một giáo sư, họ tìm gặp ông và rất ngạc nhiên khi thấy ông chỉ là một viên chức quèn, đầu tóc rối bù, áo sơ mi nhăn nhúm. Vị giáo sư nổi tiếng Plăng đã phải kêu lên: “Làm sao lại có thể chà đạp nhân tài đến thế. Một thiên tài sắp phát động một cuộc cách mạng trong vật lý, một Côpecnic của thế kỷ 20 mà lại phải làm những việc lặt vặt của một công chức hạng ba ở Cục bản quyền, thật bất công”.
Năm 1909, nhờ giáo sư Klein tích cực giới thiệu, ĐH công nghiệp liên bang Zurich đã mời Einstein làm giáo sư, lương 4500 frăng một năm. Einstein rất vui vì bây giờ ông đã có thể nuôi được gia đình bằng việc nghiên cứu vật lý.

Thuyết tương đối hẹp

Năm 1911, ông trực tiếp giảng dạy tại Đại học Karl-Ferdinand ở Praha. Khoảng thời gian này, ông đã đưa ra tiên đoán về thuyết tương đối, tức là ánh sáng phải đi theo hình vòng cung khi đi qua gần mặt trời. Sau đó, nhà bác học Einstein tiếp tục nghiên cứu về lý thuyết trọng trường cùng với sự hỗ trợ của một người bạn học là nhà toán học Marcel Grossmann. Năm 1914, Einstein trở về Đức và làm việc tại Viện Hàn Lâm Khoa học Đức. Năm 1915, “thuyết tương đối” của ông lần đầu tiên được xuất bản. Năm 1919, đoàn chuyên gia người Anh đã nghiên cứu ánh sáng mặt trời khi có nhật thực, điều này đã làm sáng tỏ nhận định của Einstein vào năm 1911. Năm 1917, Einstein sử dụng thuyết tương đối tổng quát để miêu tả mô hình cấu trúc của toàn thể vũ trụ.

Einstein được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, người đã phát triển thuyết tương đối tổng quát, một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại (trụ cột còn lại là cơ học lượng tử). Mặc dù được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng-năng lượng được xem là “phương trình nổi tiếng nhất thế giới”, ông lại được trao Giải Nobel Vật lý năm 1921 “cho những cống hiến của ông đối với vật lý lý thuyết, và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”. Công trình về hiệu ứng quang điện của ông mang tính bước ngoặt khai sinh ra lý thuyết lượng tử.

Khi ông đang thăm Hoa Kỳ thì Adolf Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, do vậy ông đã không trở lại nước Đức, nơi ông đang là giáo sư ở Viện Hàn lâm Khoa học Berlin. Ông định cư tại Hoa Kỳ và chính thức trở thành công dân Mỹ vào năm 1940.
Vào lúc sắp diễn ra Chiến tranh thế giới lần hai, ông đã ký vào một lá thư cảnh báo Tổng thống Franklin D. Roosevelt rằng Đức Quốc Xã có thể đang nghiên cứu phát triển “một loại bom mới cực kỳ nguy hiểm” và khuyến cáo nước Mỹ nên có những nghiên cứu tương tự. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Dự án Manhattan sau này.
Einstein làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton, New Jersey cho đến khi ông qua đời vào năm 1955.

 

Hoạt động chính trị
Từ trước, Albert Einstein vẫn ghét chiến tranh. Einstein ủng hộ việc bảo vệ các lực lượng Đồng Minh, nhưng nhìn chung, ông chống lại việc sử dụng phát kiến mới về phân hạch hạt nhân làm vũ khí. Sau này, cùng với nhà triết học người Anh Bertrand Russell, ông đã ký Tuyên ngôn Russell–Einstein, nêu bật sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Ông cho phổ biến các ý tưởng của mình. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi như Hòa Lan, Tiệp Khắc, Áo, vừa giảng giải về lý thuyết vật lý, vừa biện hộ cho ý tưởng hòa bình. Einstein đã gây được 6 triệu đô la tiền quỹ bằng việc bán đấu giá bản viết tay về thuyết tương đối hẹp của mình vào năm 1944.  Một tuần trước khi mất, Anhxtanh đã ký tên vào bức thư kêu gọi các nước không xây dựng vũ khí hạt nhân.

Albert Einstein là môn đồ của chủ nghĩa tự do cá nhân. Mặc dù lòng tin tưởng không thể lay chuyển được nơi Thượng Đế, Einstein cũng như nhiều nhà bác học khác vẫn là người vô thần. Vốn bản tâm quảng đại, nhưng không bao giờ ông tham gia một tổ chức xã hội nào. Ông làm việc cho Nhân Loại với tất cả Lương Tâm. Ông không ngừng kêu gọi các nhà bác học khác hãy coi chừng các phát minh của họ và luôn luôn cảnh cáo mọi người về các nguy hiểm sẽ gặp phải. Ông đã nhắc nhở nhiều lần rằng tuy Khoa Học có thể giúp ích cho Nhân Quần Xã Hội thực, song cũng có thể quay lại cung cấp vũ khí cho kẻ thù của Nhân Loại và đưa đến các kết quả tuyệt vọng. Einstein tin tưởng rằng sớm hay muộn, con người có thể giải đáp được mọi thắc mắc về Khoa Học, bởi vì “Tạo Hóa tuy huyền diệu thực, nhưng không bao giờ thâm độc cả”. Chính sự tin tưởng này đã khiến cho ông không bao giờ mất hy vọng trong các công trình tìm tòi, nghiên cứu.

 

Bộ não không chết đi của Albert Einstein
Trời đã phú cho Einstein bản tính hay cười. Không bao giờ ông quên khôi hài, ngay cả khi bị rủi ro. Có người phàn nàn với Einstein rằng thuyết Tương Đối của ông khó hiểu quá, Einstein liền trả lời – “Có gì là khó hiểu, chẳng hạn như khi ta ngồi cạnh người yêu thì thấy một giờ ngắn bằng một phút, còn nếu ta ngồi trên lò lửa hồng thì một phút lại lâu bằng một giờ”.

Einstein có thể chất tốt, tuy rằng ông bị đau dạ dầy và yếu tim. Ông có cái đầu khác thường: tất cả khối óc hầu như được đặt tại đằng trước và gần như ông không có hậu chẩm (occiput). Phải chăng chỉ có cái đầu không cân xứng này mới nghĩ ra được các ý tưởng khoa học phi thường?

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1955, Albert Einstein bị chảy máu trong do vỡ động mạch chủ, mà trước đó đã được phẫu thuật bởi tiến sĩ Rudolph Nissen năm 1948. Einstein đã từ chối phẫu thuật, ông nói: “Tôi muốn đi khi tôi muốn. Thật vô vị để duy trì cuộc sống giả tạo. Tôi đã hoàn thành chia sẻ của mình, đã đến lúc phải đi. Tôi sẽ ra đi trong thanh thản.” Ông mất trong bệnh viện Princeton vào sáng sớm hôm sau ở tuổi 76, nơi ông vẫn tiếp tục làm việc đến hơi thở cuối cùng.
Thi thể Einstein được hỏa táng và tro được rải khắp nơi quanh vùng của Viện nghiên cứu cao cấp, Princeton, New Jersey. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, nhà nghiên cứu bệnh học thuộc bệnh viện Princeton, Thomas Stoltz Harvey đã mổ lấy não của Einstein để bảo quản, mà không được sự cho phép của gia đình ông, để tiến hành nghiên cứu, với hy vọng rằng khoa học thần kinh trong tương lai có thể khám phá ra điều làm Einstein trở nên thông minh. Nghiên cứu đã phát hiện ra thuỳ thái dương của bộ não, là nơi chịu trách nhiệm về toán học đã chuyển động lớn hơn 15% so với người thường. Bộ não của ông trở thành bộ não của nhà khoa học lỗi lạc nhất hành tinh. Hiện nay, bộ não đang được lưu giữ và trưng bày tại Trung tâm Y tế của Đại học Princeton.

Trong tiền bán thế kỷ 20, Thuyết Tương Đối của Albert Einstein đã làm thay đổi quan niệm Khoa Học thông thường của con người và người ta chỉ gặp các cuộc Cách Mạng Tư Tưởng tương tự với Newton và Darwin trong các thế kỷ trước. Vì thế, Đại Văn Hào Bernard Shaw đã không nhầm lẫn khi gọi Albert Einstein là “VĨ NHÂN THỨ TÁM” của Thế Giới Khoa Học, sau Pythagoras, Aristotle, Ptolemy, Copernicus, Galileo, Kepler và Newton.
Einstein đã công bố hơn 300 bài báo khoa học và hơn 150 bài viết khác về những chủ đề khác nhau, ông cũng nhận được nhiều bằng tiến sĩ danh dự trong khoa học, y học và triết học từ nhiều cơ sở giáo dục đại học ở châu Âu và Bắc Mỹ. Ông được tạp chí Time bầu chọn là người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20.

Trên đây là những chia sẻ về nhà bác học thiên tài Einstein khiến cả thế giới phải nể phục. Cho đến nay, những công trình nghiên cứu mà ông để lại vẫn là niềm tự hào lớn, điều đáng ngưỡng mộ mà không ai có thể vượt qua được.

Tình dục “thoá
Cuộc đời nghệ

mocmienhana@gmail.com

Rate This Article:
NO COMMENTS

LEAVE A COMMENT